Hoàng hôn trên sông Mê Kông
TP - Bên ghế đá thị xã Savẳn, thủ phủ miền Trung và Hạ Lào của đất nước Hoa Chăm Pa, ngước sang bên kia là Mục Đa Hán là vùng Đông Bắc của xứ sở Chùa Vàng Thái Lan, chúng tôi ngồi hàng giờ để ngắm hoàng hôn đang lịm dần trên mặt sông Mê Kông.
Bất chợt, câu thơ của chàng thi sĩ “còm” Võ Văn Luyến ở quê nhà hiện về Tôi tin những dòng sông chảy ngược/Là những dòng sông tự chảy...
1. Ở thời khắc giao hòa giữa ngày và đêm, lòng Mê Kông lênh láng một ráng hồng rực rỡ. Ánh hào quang còn sót lại dường như cũng ướt đẫm màu nước. Bờ sông hút tắp với những triền cỏ mướt mát. Tiếng cỏ xào xạc như vọng lại từ một nhịp chèo quá vãng.
Giữa dòng sông nhìn từ bến phà Savẳn sang Mục Đa Hán (Thái Lan), loi thoi một cồn hoang cô độc. Cái cồn hoang này chắc chắn không có ai cư ngụ vì là khu vực phên dậu nhạy cảm của hai quốc gia láng giềng, vậy nên nghe nói có rất nhiều loài chim đến tá túc. Chiều về, có khi cả cồn hoang đầy ắp, lảnh lói tiếng chim...
Ở Savẳn muốn ngắm hoàng hôn, không đâu có thể đem lại thật nhiều cảm xúc như bên bờ sông Mê Kông này. Sông dài rộng và diệu vợi. Chút nắng cuối ngày loang ra một gam màu không bao giờ lặp lại.
Bây giờ, cầu Hữu Nghị 2 nối đông bắc Thái Lan với vùng Hạ Lào, được bắc qua sông Mê Kông, bến phà Savẳn trở về với nhịp sống của một bến đò xưa lặng lẽ. Chiếc cầu huyền thoại làm khái niệm “Một ngày ăn cơm ba nước” (sáng ăn xôi ở Mục Đa Hán (Thái Lan), trưa có mặt ở Savẳn (Lào) và tối ung dung ăn cơm ở Quảng Trị của Việt Nam) thành hiện thực một năm nay.
Cầu Hữu Nghị 2 góp phần sôi động, là động lực cho sự cất cánh của các nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây, nối Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar.
Dọc bờ sông từ bến phà đến chân cầu Hữu Nghị 2, sau khi có sự đầu tư nâng cấp bờ kè bằng bê tông, trồng cỏ và hoa chăm pa, lát gạch hồng dọc lối đi và đặt nhiều ghế đá, nơi đây mặc nhiên trở thành chỗ hóng mát lý tưởng, thu hút rất nhiều những người trẻ tuổi. Họ đến bờ sông để chờ chút chiều giục đêm buông màn và lai rai bia Lào, thứ bia phổ biến nhất ở đây, ăn cá nướng vớt từ sông Mê Kông lên, mề gà nướng đặt từ các bản quanh vùng đem ra, mực nướng từ Quảng Trị sang...
Người Lào ăn uống chừng mực, nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ khiêm nhường, dù có phấn khích cùng bia rượu, họ cũng chỉ rủ rỉ chuyện trò trong tiếng nhạc rộn rã từ chiếc loa đặt bên vệ cỏ.
Tôi lạc vào một vuông chiếu của đám bạn trẻ cất công từ Chămpasắc xuống đón hoàng hôn ở Savẳn. Rượu đế Chămpasắc đựng trong chai nhỏ nửa lít, ngon nức tiếng, có thể đọ với Kim Long mỹ tửu của Quảng Trị. Đám bạn trẻ uống nhiều rồi, nhìn thấy tôi vẫn nhiệt thành mời vài chén, sau đó chắp tay trước ngực chào từ biệt với cử chỉ thân ái.
Tôi ngước nhìn lên vòm cầu Hữu Nghị 2. Cây cầu tạc trong ráng chiều một nét cong cường tráng. Những chiếc xe ô tô từ Thái Lan vút qua. 5 phút để qua sông Mê Kông so với hàng giờ đồng hồ sốt ruột chờ đợi, lặn lội xuống bến với bậc tam cấp dài dằng dặc, dựng đứng ở bến phà Savẳn nếu muốn qua Thái Lan như cách nay vài năm.
Các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây đều đặt rất nhiều kỳ vọng vào cây cầu này. Nó có vai trò “khai thông huyệt đạo” cho vùng đất chưa phát triển dọc tuyến hành lang để vươn ra hội nhập kinh tế.
2. Báo Savanphathana, cơ quan ngôn luận của tỉnh Savanakhẹt, nơi tôi tới thăm người quen cũ nằm lọt thỏm giữa khu phố cổ với những căn nhà xây liền kề. Ở đấy, thanh âm từ tiếng chuông nhà thờ phía kế bên, tiếng đọc kinh ban mai vọng lại trong lòng chùa chiền gần gũi và tiếng sóng của dòng sông Mê Kông cuộn chảy ngoài kia cũng đều dễ dàng cảm nhận được.
Đã sắp chuyển sang mùa khô, ở thị xã Savẳn - trái tim của Savanakhẹt, lá ngoài đường rụng nhiều. Người công nhân vệ sinh môi trường cứ sáng lên đi dọc theo chiều gió thổi, gom nhặt từng chiếc lá dán mình xuống mặt đường. Họ làm việc chăm chút, chậm rãi như nhịp sống khoan hòa của người dân nơi đây.
Để khi ban mai ló rạng, những đoàn nhà sư khoác áo cà sa màu vàng thắm thả bộ trên các tuyến đường. Những tốp người dân, đa phần là phụ nữ, y phục tươm tất, trải chiếu ngồi chờ đợi. Khi đoàn nhà sư đi qua, từng chiếc âu vàng được mở ra. Những người cúng đường nhanh tay bỏ vào đó những nắm cơm nếp đang bốc khói, những hoa quả tươi, những thức ăn vừa mới nấu xong... với vẻ mặt thành kính. Những tà áo cà sa đã làm ấm thêm đường phố Savẳn khi mùa mưa chưa qua...
3. Anh Sylămphăn, Phó Trưởng Ban biên tập báo Savanphathana khuyên tôi cứ coi Savẳn như nhà mình, cần chi cứ đề xuất, đừng ngại. Khi biết tôi muốn đến thăm bà con Việt kiều, anh sốt sắng sắp xếp để anh Khun My đưa tôi đi.
Anh Khun My, phiên dịch cho tôi là đại úy quân y Quân đội nhân dân Lào, từng có 6 năm học tại Học viện Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam ở Hà Tây. Tôi đùa với Khun My rằng, anh là người Lào có “nội ngữ” là tiếng Việt, vì ngay cả một số từ chuyên môn y khoa, anh diễn đạt rất tốt bằng tiếng Việt, sau đó mới tra từ điển để chuyển ngữ sang... tiếng Lào.
Khun My có hai con gái đều học ở trường của Việt kiều, thông thạo tiếng Việt từ bé. Ngoài giờ làm việc, Khun My còn mở thêm một lớp dạy tiếng Việt cho hơn 10 người, cán bộ có, người buôn bán có, nhưng đa phần là học sinh người Lào chuẩn bị sang Việt Nam du học...
Khun My dẫn tôi tới thăm trường mẫu giáo Lạc Hồng ngay tại trung tâm thị xã, với quy mô 4 lớp, 130 cháu theo học. Trường do Hội người Việt Nam tại Savẳn lập ra, dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục Lào nhưng tiếng Việt được chú trọng.
Ở lứa tuổi mẫu giáo, các cháu có thể trao đổi với nhau bằng tiếng Việt một cách thành thạo. Chúng tôi đã gặp ở đây 4 cô giáo đến từ Vĩnh Linh mới qua giúp trường dạy tiếng Việt. Hèn gì khi nói chuyện với tôi, các cháu bé người Lào không chút bối rối khi nghe mô tê răng rứa đặc trưng Quảng Trị.
Cô giáo Hứa Thị Ngọc Huệ, Hiệu trưởng trường tiểu học Thống Nhất, gốc người Cần Thơ. Bố mẹ từ Việt Nam lưu lạc sang Campuchia, sau đó đến Savẳn và sinh chị ở đây.
Ngồi nói chuyện với chị, tôi tưởng như đang ở đâu đó trên đất Quảng Trị. Xung quanh lao xao tiếng nói cười. Những cung thanh, cung trầm ấm áp.
Trường Thống Nhất hiện có 329 cháu theo học, trong đó có 163 học sinh người Lào. Quy mô 5 khối 10 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Theo quy định của Bộ Giáo dục Lào, mỗi tuần có 2 tiết tiếng Việt, nhưng trường chủ động tăng lên 10 tiết để đáp ứng nhu cầu rèn chữ, rèn đọc của học sinh...
Tình cờ tôi gặp anh Trần Kim Lân, một Việt kiều khá nổi tiếng ở Savẳn. Anh thuộc lứa học sinh đầu tiên mà Hội người Việt Nam ở Savanakhẹt gửi về Huế học tập gần 20 năm trước. Giờ đây anh là bác sĩ đa khoa có phòng mạch tại trung tâm thị xã. Tuy nhiên, một lĩnh vực anh đang theo đuổi, được nhiều người biết đến đó là biên soạn cuốn Từ điển Lào - Việt.
Gặp tôi, anh “tiếp thị” ngay: “Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đã nhận in sách của tôi và sẽ phát hành rộng rãi trong toàn quốc trong nay mai. Chỉ cần 10.000 kíp (hơn 20.000 đồng), các bạn sẽ được sở hữu cuốn Từ điển có 50.000 từ. Sử dụng Từ điển Lào -Việt là bạn đã góp phần vào việc giới thiệu, truyền bá văn hóa hai dân tộc Lào và Việt Nam anh em...”.
Ở Savẳn hiện đã có trung tâm tiếng Việt thu hút rất đông người theo học. Ngoài trường Lạc Hồng, Thống Nhất còn có thêm trường mẫu giáo, tiểu học mang tên Nguyễn Trãi ở thị trấn Sênô, trường mẫu giáo Hoàng Oanh của một Việt kiều, có gần 3.000 bà con Việt kiều đang sinh sống trên địa bàn, mỗi người là một đại sứ của ngôn ngữ Việt.
Savẳn còn có nhiều người như anh Khun My, đã từng sống, học tập, công tác tại Việt Nam, giờ lại tận tụy theo đuổi một công việc gian nan là truyền dạy tiếng Việt cho người Lào. Tiếng Việt, nhờ vậy mà có sức sống lâu bền suốt nhiều thế hệ trên đất bạn. Đó là ngôn ngữ của tình đoàn kết, keo sơn, gắn bó máu thịt, không dễ nơi đâu có được.
Khun My bảo tôi, muốn nói được tiếng nước nào thì hãy uống thật nhiều nguồn nước nơi đó. Nghe anh, chiều chiều ở trên đất nước Triệu Voi này, tôi ra Mê Kông để xin một ngụm nước từ dòng sông Mẹ. Những lúc như vậy, tôi để cho Mê Kông chảy ngược vào lòng...
Savẳn - Đông Hà, xuân Mậu Tý
Hữu Thành - Tâm Thanh